Rối loạn kinh nguyệt là gì?

Ngày đăng: 14.04.2021

Tư vấn y khoa: Bs Trần Văn Vỵ

Rối loạn kinh nguyệt là hiện tượng thường gặp ở nữ giới. Tình trạng này không chỉ gây bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày, ảnh hưởng đến tâm lý mà nếu kéo dài còn có thể gây hại cho sức khỏe. Bài viết này sẽ giải đáp rối loạn kinh nguyệt là gì cùng nguyên nhân, biểu hiện và biểu hiện, từ đó chị em có thể nhận biết để cải thiện kịp thời. Hãy đọc bài viết này để tìm hiểu nhé.

Rối loạn kinh nguyệt là gì?

Rối loạn kinh nguyệt là gì?

Kinh nguyệt là hiện tượng lớp niêm mạc cổ tử cung bị bong ra do sự thay đổi nội tiết tố theo chu kỳ, từ đó gây chảy máu từ buồng tử cung ra ngoài âm đạo. Thông thường, kinh nguyệt xuất hiện lần đầu ở nữ giới 12 đến 16 tuổi. Chu kỳ trung bình ở nữ giới là 28 ngày, tuy nhiên một số trường hợp có thể ngắn hơn 25 ngày hoặc dài hơn 35 ngày. Mỗi kỳ hành kinh thường kéo dài từ 3 đến 5 ngày, lượng máu mất đi từ 50 đến 150ml.

Rối loạn kinh nguyệt là những bất thường về chu kỳ kinh nguyệt, số ngày hành kinh và số lượng máu kinh so với những chu kỳ thông thường. Tình trạng này có thể do nội tiết tố thay đổi, các tổn thương ở cơ quan sinh dục nữ hoặc do môi trường bên ngoài. Một số trường hợp rối loạn kinh nguyệt còn có thể là triệu chứng của các bệnh lý nguy hiểm.

Tình trạng này có thể xảy ra ở nữ giới với các mức độ và biểu hiện khác nhau, với nhiều độ tuổi như rối loạn kinh nguyệt sau sinh, dậy thì, mãn kinh. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, sức khỏe mà nếu không điều trị kịp thời còn có thể gây hại đến sinh lý và khả năng sinh sản của chị em.

Rối loạn kinh nguyệt có biểu hiện gì?

Thông thường, tình trạng rối loạn kinh nguyệt có một số biểu hiện như:

+ Chu kỳ kinh nguyệt ở nữ giới dài hơn 35 ngày còn gọi là kinh thưa, ngắn hơn 25 ngày còn gọi là kinh mau, thậm chí không có kinh hơn 6 tháng còn gọi là vô kinh.

+ Lượng máu kinh nhiều hơn 20ml mỗi kỳ, còn gọi là cường kinh hay băng kinh

+ Số ngày có kinh ngắn hơn 2 ngày và lượng kinh ít hơn 20ml mỗi kỳ, còn gọi là thiếu kinh

+ Số ngày có kinh nhiều hơn 7 ngày, còn gọi là rong kinh

Thông thường máu kinh có màu đỏ thẫm, mùi hơi tanh, không đông. Máu kinh bất thường có thể có màu đỏ tươi, hồng nhạt hoặc lẫn cục máu đông.

Nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt

Tình trạng rối loạn kinh nguyệt có thể do một số nguyên nhân phổ biến như:

Rối loạn nội tiết tố

Phụ nữ phải trải qua nhiều giai đoạn trong độ tuổi sinh sản như có kinh nguyệt, mang thai, sau sinh, tiền mãn kinh, mãn kinh. Khi nữ giới đến mỗi giai đoạn, trong cơ thể sẽ xảy ra sự thay đổi, mất cân bằng nội tiết tố, từ đó biểu hiện thành tình trạng kinh nguyệt không đều.

Thay đổi cân nặng

Cân nặng tăng hoặc giảm cũng có thể gây rối loạn kinh nguyệt. Nguyên nhân là sự thay đổi cân nặng của nữ giới sẽ dẫn đến thay đổi nồng độ hormone trong cơ thể, từ đó ảnh hưởng đến quá trình hành kinh. Thông thường, nữ giới giảm cân có nguy cơ bị rối loạn kinh nguyệt cao hơn so với tăng cân.

Rối loạn ăn uống

Các biểu hiện rối loạn ăn uống như chán ăn hoặc ăn quá nhiều cũng có thể là nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt. Khi chế độ dinh dưỡng thay đổi sẽ dẫn đến thay đổi hàm lượng nội tiết tố trong cơ thể, từ đó ảnh hưởng đến kinh nguyệt.

Tập thể dục nhiều

Nữ giới tập thể dục quá nhiều có thể gặp tình trạng kinh nguyệt không đều. Khi tập thể dục, cơ thể sản xuất hormone nội tiết tố nhiều hơn bình thường, dẫn đến tăng lượng kinh nguyệt và kéo dài kỳ kinh.

Rối loạn tuyến giáp

Phụ nữ bị rối loạn tuyến giáp thường gặp tình trạng rối loạn kinh nguyệt. Nguyên nhân là hormone tuyến giáp sẽ ảnh hưởng đến hoạt động trao đổi chất của cơ thể, từ đó ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt.

Rối loạn kinh nguyệt sau sinh

Thông thường, nữ giới sau sinh, cho con bú sẽ có chu kỳ kinh muộn hơn do ảnh hưởng từ chất prolactin trong sữa mẹ. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất sữa mẹ cũng khiến số lần rụng trứng giảm 30% so với bình thường và thay đổi nồng độ hormone trong cơ thể phụ nữ.

Nữ giới tuổi dậy thì

Tuổi dậy thì là giai đoạn nữ giới mới có kinh nguyệt. Khi đó nội tiết tố trong cơ thể mới được sản xuất nên chưa ổn định. Do đó tình trạng rối loạn kinh nguyệt thường diễn ra trong 1 đến 2 năm từ khi có kinh.

Hội chứng buồng trứng đa nang

Thông thường, trong kỳ kinh nguyệt, buồng trứng sản sinh ra các nang làm tăng lượng estrogen trong cơ thể, khiến lớp niêm mạc tử cung dày lên và bong ra. Khoảng 10% nữ giới trong độ tuổi sinh sản bị hội chứng buồng trứng đa nang. Khi đó, quá trình sản xuất estrogen diễn ra không đều, gây tăng cân, chậm kinh, mất kinh.

Phụ nữ tiền mãn kinh

Ở giai đoạn tiền mãn kinh, nồng độ hormone trong cơ thể nữ giới suy giảm, dẫn đến kinh nguyệt không đều.

Tâm lý căng thẳng

Tâm lý căng thẳng có thể khiến nữ giới bị rối loạn kinh nguyệt

Các nguyên nhân như công việc căng thẳng, áp lực gia đình, stress sẽ khiến tuyến thượng thận tiết ra hormone cortisol. Đây là loại hormone ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sản xuất các nội tiết tố nữ như estrogen và progesterone. Từ đó cơ thể dễ gặp tình trạng rối loạn nội tiết, ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt.

Ngoài ra, một số loại thuốc cũng có thể gây rối loạn kinh nguyệt như thuốc tránh thai, thuốc điều trị bệnh tiểu đường.

Tác hại của tình trạng rối loạn kinh nguyệt

Tình trạng rối loạn kinh nguyệt có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh lý, thậm chí khả năng sinh sản của nữ giới như:

Gây thiếu máu

Kinh nguyệt ra nhiều và kéo dài sẽ gây thiếu máu với các triệu chứng như chóng mặt, mệt mỏi, da xanh xao, tim loạn nhịp, thở gấp. Trường hợp nghiêm trọng nữ giới có thể bị nguy hiểm đến tính mạng.

Tăng nguy cơ mắc bệnh phụ khoa

Kỳ kinh nguyệt kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân bên ngoài như vi khuẩn xâm nhập, sinh sôi, gây viêm nhiễm. Từ đó nữ giới có nguy cơ cao mắc các bệnh phụ khoa như viêm âm đạo, viêm buồng trứng.

Ảnh hưởng đến sinh hoạt vợ chồng

Nữ giới quan hệ tình dục vào những ngày hành kinh sẽ tăng nguy cơ mắc các bệnh lý phụ khoa. Do đó tình trạng rối loạn kinh nguyệt sẽ khiến chuyện chăn gối bị ảnh hưởng.

Tăng nguy cơ vô sinh

Khi bị rối loạn kinh nguyệt, thời điểm rụng trứng của nữ giới không ổn định nên ảnh hưởng đến quá trình thụ thai. Bên cạnh đó, nữ giới có thể bị bệnh lý viêm nhiễm, gây tắc vòi tử cung.

Ảnh hưởng đến làn da và tâm lý

Estrogen và progesterone là 2 nội tiết tố ảnh hưởng nhiều đến làn da của nữ giới. Do đó, các hormone này bị rối loạn sẽ khiến da không được mịn màng. Bên cạnh đó, khi bị rối loạn kinh nguyệt, quá trình lưu thông khí huyết trong cơ thể chị em cũng bị ảnh hưởng, dẫn đến mệt mỏi, cáu gắt thường xuyên, lo lắng, căng thẳng.

Ngoài ra, rối loạn kinh nguyệt có thể là triệu chứng của các bệnh lý nguy hiểm như u xơ cổ tử cung, ung thư niêm mạc tử cung. Khi đó nữ giới cần điều trị kịp thời để tránh tác hại cho sức khỏe, thậm chí tính mạng.

Phương pháp cải thiện tình trạng rối loạn kinh nguyệt

Để điều hòa kinh nguyệt trong cơ thể, nữ giới cần thực hiện một chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng lành mạnh như:

Giữ tâm lý thoải mái

Tâm lý căng thẳng là một trong các nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt. Do đó để khắc phục tình trạng này, nữ giới cần giữ cho tinh thần thoải mái, tâm lý ổn định.

Chế độ ăn uống đủ chất dinh dưỡng

Chị em cần bổ sung đủ chất dinh dưỡng

Chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng sẽ giúp nữ giới khỏe mạnh và cân bằng tâm lý, từ đó cải thiện tình trạng rối loạn kinh nguyệt.

Tránh lạm dụng thuốc tránh thai

Thành phần thuốc tránh thai có chứa hai loại hormone sinh dục nữ là estrogen và progesterone. Nữ giới sử dụng thuốc tránh thai sẽ khiến nồng độ hormone trong cơ thể thay đổi, có thể gây chậm kinh hoặc vô kinh. Do đó, chị em không nên lạm dụng thuốc tránh thai mà chỉ sử dụng khi cần thiết.

Nghỉ ngơi hợp lý

Áp lực công việc gây căng thẳng là một trong các nguyên nhân dẫn đến rồi rối loạn kinh nguyệt. Do đó nữ giới có thể nghỉ ngơi hợp lý để tinh thần thoải mái, tâm lý ổn định. Điều này sẽ giúp điều hòa kinh nguyệt, giúp cơ thể khỏe mạnh.

Tuy nhiên, nếu thực hiện các biện pháp này mà tình trạng rối loạn kinh nguyệt vẫn kéo dài thì chị em nên tới cơ sở y tế để thăm khám và tìm ra nguyên nhân. Từ đó chị em sẽ được bác sĩ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.

Như vậy, bài viết này đã cung cấp cho nữ giới các thông tin về rối loạn kinh nguyệt như biểu hiện, nguyên nhân, ảnh hưởng và phương pháp cải thiện. Chị em hãy chú ý đến các biểu hiện bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt để sớm có biện pháp bảo vệ sức khỏe và sinh lý của bản thân.