Các biểu hiện bất thường của kinh nguyệt chị em cần chú ý
Ngày đăng: 14.04.2021
Tư vấn y khoa: Bs Đặng Tuấn Trình
Chị em cần hỏi ý kiến bác sĩ nếu nhận thấy những biểu hiện bất thường của kinh nguyệt, để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng sinh sản. Bạn hãy đọc bài viết này để tìm hiểu nhé.
Kinh nguyệt bất thường là gì?
Kinh nguyệt là hiện tượng chảy máu từ tử cung ra ngoài âm đạo, do lớp niêm mạc tử cung bong ra khi nữ giới không thụ thai.
Kinh nguyệt bất thường hay còn gọi là rối loạn kinh nguyệt. Đây là biểu hiện bất thường của kinh nguyệt liên quan đến chu kỳ kinh hay xuất hiện các triệu chứng trong quá trình hành kinh. Chị em có thể gặp hiện tượng bất thường về kỳ kinh nguyệt, lượng máu kinh tiết ra, màu sắc máu kinh, triệu chứng đau bụng dữ dội.
Các hiện tượng này có thể không nghiêm trọng nhưng cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh lý. Nếu không điều trị kịp thời, các bệnh này có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của chị em. Tuy nhiên một số nữ giới lại chủ quan nên đã tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh kéo dài, gây biến chứng nghiêm trọng.
Các biểu hiện bất thường của kinh nguyệt
Để đảm bảo sức khỏe, chị em cần chú ý các biểu hiện của rối loạn kinh nguyệt như:
Trễ kinh đến 90 ngày
Thông thường một chu kỳ kinh nguyệt kéo dài khoảng 28 ngày, tuy nhiên chị em có thể có chu kỳ dài hơn hoặc ngắn hơn. Quá trình rụng trứng sẽ ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt. Mỗi chị em sẽ có độ dài chu kỳ kinh nguyệt riêng, dao động từ 25 đến 32 ngày. Thậm chí, độ dài chu kỳ kinh nguyệt cũng thay đổi chứ không cố định.
Trường hợp nữ giới bị trễ kinh đến 90 ngày thì nguyên nhân có thể là do mang thai hoặc giai đoạn tiền mãn kinh. Nếu nghi ngờ mang thai, chị em có thể sử dụng que thử thai để kiểm tra nhanh chóng và dễ dàng. Còn giai đoạn tiền mãn kinh thường xảy ra với phụ nữ độ tuổi 40 đến 50. Đây là thời kỳ buồng trứng giảm sản sinh estrogen, khiến kinh nguyệt xuất hiện thưa dần.
Bên cạnh mang thai hoặc tiền mãn kinh, nữ giới có thể bị trễ kinh do một số nguyên nhân như:
+ Bệnh lây qua đường tình dục
+ Tập thể dục cường độ mạnh hoặc giảm cân
+ Tăng cân nhiều một cách nhanh chóng
+ Hội chứng buồng trứng đa nang
+ Tâm lý căng thẳng kéo dài
+ Sử dụng thuốc tránh thai quá nhiều
Bế kinh
Bế kinh là hiện tượng máu kinh vẫn được sản sinh nhưng do nguyên nhân cấu tạo cơ thể nên không tiết ra ngoài được. Một số nguyên nhân dẫn đến bế kinh như:
+ Màng trinh không thủng
Đây là trường hợp bộ phận sinh dục nữ giới phát triển bình thường nhưng do màng trinh dày, không thủng nên máu kinh không tiết ra ngoài.
+ Âm đạo có vách ngăn
Trong âm đạo xuất hiện vách ngăn hoặc âm đạo không phát triển ở đoạn dưới, do đó máu kinh không tiết ra ngoài được.
+ Không có âm đạo
Một số trường hợp bộ phận sinh dục của nữ giới chỉ có tử cung và buồng trứng, không có âm đạo. Do đó máu kinh bị đọng lại và tràn lên vòi tử cung.
Hiện tượng bế kinh sẽ gây ra các cơn đau bụng dưới đều đặn hàng tháng, kéo dài 3 đến 4 ngày rồi trở lại bình thường. Cơn đau sau nặng hơn cơn đau trước, sau 5 đến 6 lần chị em sẽ thấy nổi một khối trên xương mu, gây đau dữ dội.
Bế kinh do màng trinh không thủng thì nữ giới sẽ thấy căng tức ở âm hộ. Nếu vạch hai môi bé ra thì chị em sẽ thấy màng trinh bị giãn căng do máu trinh và có màu tím. Trường hợp nghiêm trọng máu kinh ứ đọng sẽ gây căng phồng tử cung, gây hại cho niêm mạc tử cung, thậm chí dẫn đến vô sinh.
Bên cạnh đó, máu kinh ứ đọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tác nhân bên ngoài như nấm, vi khuẩn xâm nhập, sinh sôi, gây viêm nhiễm. Nếu không điều trị kịp thời, nữ giới có thể mắc các bệnh lý như viêm ổ bụng.
Rong kinh
Rong kinh là hiện tượng hành kinh kéo dài hơn 1 tuần, máu kinh không đông, lượng máu tiết ra nhiều.
Nguyên nhân gây rong kinh là hàm lượng estrogen trong cơ thể tăng cao nhưng không xảy ra quá trình phóng noãn. Progesterone tiết ra không cân đối với estrogen, nội mạc tử cung dày lên nhưng mạch máu không sản sinh đủ máu nuôi dưỡng. Khi đó niêm mạc bong ra từng mảng nhỏ, gây chảy máu kéo dài.
Tình trạng rong kinh có thể đi kèm với triệu chứng đau bụng dưới, mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt do mất máu. Bên cạnh đó, một số trường hợp bị sốt, ra khí hư, chảy máu cam, chảy máu chân răng, thậm chí vô sinh.
Thống kinh
Thống kinh là triệu chứng đau quặn thắt ở bụng dưới khi hành kinh, có thể kèm theo đau lưng, nhức đầu, tiêu chảy. Một số trường hợp nữ giới còn bị tức ngực, buồn nôn. Tình trạng thống kinh có thể diễn ra trước, trong hoặc sau kỳ kinh nguyệt vài ngày.
Nguyên nhân gây thống kinh có thể là niêm mạc tử cung sản sinh ra nhiều prostaglandin trong chu kỳ kinh nguyệt và tăng trong quá trình hành kinh. Trường hợp này gọi là thống kinh nguyên phát.
Bên cạnh đó, có trường hợp nữ giới bị thiếu các khoáng chất cần thiết như canxi hoặc do bệnh lý nên bị thống kinh, gọi là thống kinh thứ phát.
Để cải thiện, chị em có thể bổ sung hormone sinh dục nữ như progesterone, estrogen. Từ đó ngăn tăng sinh niêm mạc tử cung và hạn chế nồng độ prostaglandin. Nữ giới có thể uống các loại thuốc tránh thai có chứa hai hormone này trước khi hành kinh 2 đến 3 ngày hoặc ngay khi thấy có máu kinh.
Bên cạnh đó, chị em có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau, chống co thắt, kháng viêm không chứa steroid để giảm nồng độ prostaglandin.
Thiếu máu nhược sắc
Thiếu máu nhược sắc là tình trạng nữ giới bị mất máu do thiếu chất sắt trong chu kỳ hành kinh.
Để cải thiện, chị em nên bổ sung các thực phẩm giàu sắt và dễ hấp thu. Thông thường, viên sắt kết hợp acid folic sẽ có hiệu quả cao hơn, do acid folic cũng giúp bổ máu và nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.
Cường kinh, thiếu kinh
Cường kinh là tình trạng lượng máu kinh ra nhiều và kéo dài trong nhiều ngày. Hiện tượng này xảy ra do tử cung bị tổn thương hay mắc bệnh như u xơ cổ tử cung, lạc nội mạc tử cung. Từ đó cơ tử cung không co bóp tốt và giảm khả năng cầm máu.
Các bệnh lý như tăng huyết áp, rối loạn đông máu cũng có thể là nguyên nhân gây cường kinh. Tình trạng này sẽ gây mất nhiều máu, ảnh hưởng đến sức khỏe nữ giới.
Do đó, chị em nên nhanh chóng đến cơ sở y tế để thăm khám, phát hiện nguyên nhân và có phương pháp điều trị phù hợp.
Thiếu kinh là tình trạng lượng máu kinh tiết ra ít và kỳ kinh nguyệt diễn ra ngắn hơn 2 ngày. Nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể là các bệnh lý ở tử cung như dính buồng tử cung sau nạo thai, sau khi sinh. Các bệnh lý buồng trứng như suy sớm buồng trứng, ung thư buồng trứng cũng có thể gây thiếu kinh.
Kinh nguyệt thưa
Kinh nguyệt thưa là tình trạng chu kỳ kinh nguyệt dài hơn 35 ngày, thậm chí vài tháng. Thông thường chu kỳ kinh nguyệt dao động từ 28 đến 35 ngày. Ngoài ra, nữ giới có thể bị kinh mau với vòng kinh ngắn hơn 21 ngày, thậm chí vừa hết kinh 1 tuần lại có kinh.
Thông thường kinh thưa là do những bất thường ở vùng dưới đồi. Đây là bộ phận sản sinh hormone estrogen và progresterone, ảnh hưởng hoạt động của buồng trứng. Từ đó niêm mạc tử cung thay đổi để tạo kinh nguyệt hay đón trứng đã thụ tinh vào làm tổ, phát triển thành thai.
Kinh nguyệt thưa còn có thể do nguyên nhân rụng trứng ít, noãn bào chậm phát dục, gây kéo dài giai đoạn noãn chín. Một số trường hợp có chu kỳ rụng trứng kéo dài từ 40 ngày đến 3 tháng, dù lượng máu và kỳ kinh nguyệt vẫn ổn định.
Bên cạnh đó, hội chứng buồng trứng đa nang cũng có thể gây kinh nguyệt thưa. Đây là trường hợp buồng trứng có nhiều nang trứng, tuy nhiên không có nang nào chín để phóng noãn và không có trứng rụng. Nữ giới cần điều trị hội chứng này kịp thời để tránh nguy cơ vô sinh.
Tình trạng kinh nguyệt thưa không gây nguy hiểm đến sức khỏe, cũng không gây bất tiện trong sinh hoạt. Tuy nhiên chị em không nên chủ quan vì tình trạng này có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Do đó nữ giới cần đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị hiệu quả.
Để điều hòa kinh nguyệt, chị em cần thực hiện chế độ sinh hoạt và chế độ dinh dưỡng lành mạnh. Nếu các biểu hiện bất thường của kinh nguyệt kéo dài thì nữ giới nên đến cơ sở y tế để phát hiện nguyên nhân và có phương pháp điều trị phù hợp.