Bị rong kinh uống thuốc gì nhanh khỏi và an toàn cho sức khỏe?
Ngày đăng: 14.04.2021
Tư vấn y khoa: Bs Nguyễn Kiếm
Tình trạng rong kinh có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày và làm suy nhược sức khỏe nữ giới. Bên cạnh đó, rong kinh cũng khiến chị em có nguy cơ cao hơn mắc các bệnh lý phụ khoa. Vậy bị rong kinh uống thuốc gì nhanh khỏi? Hãy đọc bài viết này để có câu trả lời nhé.
Rong kinh là gì?
Trước khi tìm hiểu bị rong kinh uống thuốc gì nhanh khỏi, bạn cần có các thông tin về rong kinh. Đó là tình trạng kỳ kinh nguyệt ở nữ giới kéo dài hơn 7 ngày và lượng máu tiết ra hơn mức trung bình là 80ml. Khi bị rong kinh, nữ giới sẽ có các biểu hiện thở dốc, thở ngắn, cơ thể mệt mỏi, đau bụng kinh dữ dội.
Bên cạnh đó, rong kinh gây mất máu nên có thể khiến nữ giới hoa mắt, chóng mặt, thậm chí ngất xỉu. Thông thường tình trạng này xuất hiện ở tuổi dậy thì hoặc giai đoạn mãn kinh, tiền mãn kinh của chị em.
Nguyên nhân tình trạng này là do rối loạn nội tiết tố nữ trong cơ thể. Khi nữ giới ở tuổi dậy thì, hormone trong cơ thể chưa hoàn thiện, còn khi chị em mang thai thì hormone có sự thay đổi. Đến giai đoạn tiền mãn kinh thì hàm lượng hormone trong cơ thể phụ nữ sẽ suy giảm. Do đó ở những giai đoạn này nữ giới có nguy cơ cao bị rong kinh.
Ngoài ra, rong kinh có thể là dấu hiệu của bệnh u tuyến giáp, rối loạn đông máu hoặc các bệnh lý phụ khoa như u xơ cổ tử cung, ung thư cổ tử cung, polyp tử cung…
Tác hại của rong kinh
Bên cạnh câu hỏi bị rong kinh uống thuốc gì nhanh khỏi, một số chị em cũng thắc mắc rong kinh có tác hại gì. Rong kinh là tình trạng nhiều phụ nữ gặp phải, do đó một số chị em có tâm lý chủ quan. Theo chuyên gia, tình trạng rong kinh nếu kéo dài sẽ gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh lý, thậm chí khả năng sinh sản của nữ giới. Một số tác hại của tình trạng rong kinh như:
+ Rong kinh khiến máu tiết ra liên tục, cơ thể nữ giới không sản xuất kịp để bù vào nên có thể gây thiếu máu
+ Chị em thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, khó chịu, da xanh xao, chóng mặt và đau âm ỉ ở bụng dưới.
+ Rong kinh khiến nữ giới phải thay băng vệ sinh liên tục, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày và gây mất tự tin.
Rong kinh có thể do các bệnh lý gây ra như rối loạn đông máu, u xơ cổ tử cung, polyp tử cung, ung thư cổ tử cung, u xơ tử cung, u nang buồng trứng. Thông thường nếu do nguyên nhân bệnh lý thì nữ giới sẽ nhận thấy một số dấu hiệu khác như rong kinh ra máu đen hoặc có lẫn cục máu đông.
Bên cạnh đó, khi bị rong kinh âm đạo của nữ giới thường xuyên bị ẩm ướt do máu tiết ra. Từ đó các tác nhân bên ngoài như vi khuẩn, nấm dễ xâm nhập, sinh sôi, gây viêm nhiễm. Do đó nữ giới bị rong kinh sẽ có nguy cơ cao hơn mắc các bệnh lý viêm nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh lý, thậm chí gây vô sinh hiếm muộn.
Bị rong kinh uống thuốc gì nhanh khỏi?
Có thể thấy rong kinh kéo dài sẽ gây ra nhiều tác hại đến sức khỏe nữ giới. Do đó, khi gặp tình trạng này, chị em nên tới cơ sở y tế để được thăm khám và có phương pháp điều trị phù hợp. Bạn cần lưu ý không tự ý mua thuốc về sử dụng khi chưa được bác sĩ chỉ định vì có thể gây tác dụng phụ, ảnh hưởng đến sức khỏe. Một số loại thuốc chữa rong kinh thường được sử dụng như:
Thuốc cầm máu như tranexamic acid
Bên cạnh các loại thực phẩm bổ sung sắt giúp bổ máu, nữ giới cũng có thể được chỉ định loại thuốc cầm máu như tranexamic acid. Đây là loại thuốc giúp ngăn chặn các plasminogen, giảm sự phân hủy fibrin trong máu đông. Theo chuyên gia, tranexamic giúp giảm tình trạng chảy máu trong chu kỳ từ 30 đến 60%.
Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc cầm máu từ ngày hành kinh thứ nhất đến ngày thứ 5 của chu kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên nữ giới cần lưu ý không sử dụng thuốc cầm máu nếu có tiền sử mắc bệnh rối loạn đông máu, huyết khối não, tắc động mạch võng mạc.
Thuốc kháng viêm không chứa steroid như mefenamic acid
Trường hợp nữ giới bị rong kinh ở mức độ nhẹ thì bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc kháng viêm không chứa steroid như mefenamic acid. Loại thuốc này có thể giúp chị em giảm lượng máu tiết ra từ 20 đến 50%. Tuy không hiệu quả như tranexamic acid nhưng loại thuốc này sẽ giúp giảm đau bụng kinh và ít nguy cơ bị tác dụng phụ hơn. Mefenamic acid thường được chỉ định sử dụng trong suốt kỳ kinh nguyệt của nữ giới.
Chị em cũng cần lưu ý không sử dụng loại thuốc này nếu dị ứng với aspirin hoặc bị viêm, loét đường tiêu hóa.
Thuốc có chứa hormone như thuốc tránh thai
Các loại thuốc chứa hormone như thuốc tránh thai có thành phần estrogen và progesterone nên giúp ngăn rụng trứng và nội mạc tử cung gia tăng. Nhờ đó thuốc có tác dụng giảm đau bụng kinh, đau ngực, giảm lượng máu tiết ra khoảng 43%.
Đây là loại thuốc giúp chữa rong kinh hiệu quả và thường được chỉ định với nữ giới bị rong kinh mà không có nguyên nhân.
Tuy nhiên đây là thuốc tránh thai nên chị em không tự ý sử dụng nếu không được bác sĩ chỉ định.
Thuốc nhóm danazol
Các loại thuốc nhóm danazol giúp hạn chế quá trình sản xuất gonadotropins ở tuyến yên, từ đó ngăn rụng trứng. Thuốc cũng có công dụng chống tăng sinh nội mạc tử cung nên giúp giảm khoảng 50% lượng máu kinh ở nữ giới.
Tuy nhiên, loại thuốc này có thể gây nhiều tác dụng phụ nguy hiểm như phù nề, rụng tóc, phát ban, rối loạn kinh nguyệt, vô kinh, đau vùng chậu. Do đó bác sĩ thường không chỉ định loại thuốc này nếu không phải trường hợp khẩn cấp.
Thuốc Đông y
Nữ giới cũng có thể cải thiện tình trạng rong kinh bằng các bài thuốc Đông y. Tuy nhiên phương pháp này chỉ nên áp dụng với các trường hợp bị rong kinh ở mức độ nhẹ. Bên cạnh đó, bạn cũng cần hỏi ý kiến bác sĩ để đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Một số bài thuốc Đông y giúp chữa rong kinh hiệu quả như:
+ Bài thuốc từ cây nhọ nồi
Cây nhọ nồi còn có tên gọi khác là cây cỏ mực. Đây là loại cây quen thuộc, có tác dụng thanh nhiệt, cầm máu hiệu quả nên còn được sử dụng để chữa rong kinh.
Để sử dụng, chị em lấy 3 đến 4 nắm lá nhọ nồi đem rửa sạch, ngâm với nước muối loãng để loại bỏ tạp chất rồi để ráo nước. Sau đó, bạn cho vào máy xay sinh tố, xay nhuyễn rồi lấy nước uống hàng ngày.
Để giúp cải thiện tình trạng rong kinh, chị em nên uống nước từ cây nhọ nồi trước và trong kỳ kinh nguyệt.
+ Bài thuốc từ cây huyết dụ
Huyết dụ là loại cây có lá màu tím nên thường được sử dụng như cây cảnh. Tuy nhiên, lá cây huyết dụ có tác dụng bổ huyết và cầm máu hiệu quả. Do đó, nữ giới có thể sử dụng lá cây huyết dụ để điều trị kinh nguyệt không đều, rong kinh, băng huyết.
Để sử dụng, chị em lấy 20g lá huyết dụ tươi rửa sạch, để ráo nước rồi thái nhỏ. Sau đó bạn lấy lá huyết dụ sắc với khoảng 200ml nước, đun đến khi cạn một nửa thì chắt lấy nước uống. Nữ giới nên uống đều đặn mỗi ngày 2 lần để có hiệu quả.
+ Bài thuốc từ ngải cứu
Ngải cứu là loại gia vị quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày. Theo Đông y, ngải cứu có vị cay, tính ấm nên giúp điều trị viêm, đau nhức xương khớp, rong kinh hiệu quả.
Để sử dụng, chị em phơi khô ngải cứu rồi lấy 30g ngải cứu khô sắc với 1 lít nước. Sau đó bạn đun lửa nhỏ đến khi cạn một nửa, để nguội rồi uống thay nước hàng ngày.
Tuy nhiên, nữ giới có tiền sử bệnh gan, rối loạn hệ tiêu hóa thì không nên uống nước ngải cứu để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.
Bên cạnh đó, để điều trị rong kinh hiệu quả, nữ giới nên uống đều đặn 1 tuần trước khi hành kinh và trong kỳ kinh nguyệt.
Như vậy, bài viết đã giải đáp câu hỏi bị rong kinh uống thuốc gì nhanh khỏi. Tuy nhiên chị em không nên tự ý mua thuốc về sử dụng mà cần thực hiện theo chỉ định của bác sĩ. Do đó nữ giới hãy đến cơ sở y tế để được thăm khám, tìm ra nguyên nhân gây rong kinh và có phương pháp điều trị hiệu quả.