Bầu mấy tháng được ăn rau ngót?
Ngày đăng: 19.03.2021
Tư vấn y khoa: Bs Đặng Tuấn Trình
Rau ngót là loại rau có lợi cho sức khỏe con người. Nhưng không phải đối tượng nào cũng có thể ăn được rau ngót. Vậy bà bầu có ăn được rau ngót không? Bầu mấy tháng được ăn rau ngót? Để giải đáp những câu hỏi này mời bạn tham khảo bài viết sau!
Rau ngót, một món ăn quen thuộc của người Việt
Rau ngót còn được gọi là bồ ngót hay rau tuốt. Đây là loại rau sinh trưởng ở miền nhiệt đới và rất quen thuộc với người dân Việt Nam. Các chuyên gia đã xác định trong rau ngót có nhiều thành phần dinh dưỡng như vitamin, khoáng chất, protein… Cụ thể trong 100g rau ngót có các thành phần chất với hàm lượng như sau:
– 3,4 gam tinh bột
– 2,2 gam vitamin PP
– 185 mg vitamin C
– 64,5 mg photpho
– 2,7 mg sắt
– 169 mg canxi
– 400 mcg vitamin B2
– 100 mcg vitamin B1
…
Rau ngót là loại rau có khả năng giải độc, thanh nhiệt, cầm huyết, bổ huyết, sát khuẩn, nhuận tràng… Đây là loại rau thích hợp cho người già và trẻ em. Tuy nhiên rau ngót có dùng được cho bà bầu hay không thì không phải ai cũng biết.
Bầu mấy tháng ăn được rau ngót?
Để trả lời câu hỏi này, các chuyên gia chia ra 3 khoảng thời gian như sau:
Ba tháng đầu thai kỳ
Ba tháng đầu thai kỳ không phải là thời gian thích hợp cho mẹ bầu ăn rau ngót. Thực tế, loại rau này còn được liệt vào hàng bà bầu 3 tháng đầu cần kiêng kỵ.
Ba tháng giữa thai kỳ
Ba tháng giữa thai kỳ là thời điểm mà những mẹ bầu khỏe mạnh có thể đưa rau ngót vào thực đơn hàng ngày của mình. Điều đó có thể giúp làm phong phú món ăn, đồng thời cung cấp cho thai nhi dinh dưỡng để phát triển.
Ba tháng cuối thai kỳ
Việc ăn rau ngót cần được hạn chế trở lại khi bà bầu đến 3 tháng cuối thai kỳ. Điều này là khả năng khiến tử cung co bóp của rau ngót làm mẹ bầu tăng nguy cơ sinh non. Ở thời kỳ này, ăn rau ngót cũng có thể làm ảnh hưởng đến thai nhi.
Tổng kết lại, mẹ bầu nếu có sức khỏe tốt thì trong 3 tháng giữa thai kỳ có thể ăn được rau ngót. Nhưng mỗi ngày mẹ bầu nên ăn hạn chế, không vượt quá 30g rau ngót. Khi ăn bạn cũng cần luộc hoặc nấu chín rau ngót để tránh rau ngót sống làm ảnh hưởng đến sức khỏe của hai mẹ con.
Ăn rau ngót gây tác hại thế nào với mẹ bầu?
Ít mẹ bầu biết rằng ăn rau ngót có thể gây tác hại như sau đến sức khỏe của mẹ và bé:
Rau ngót làm tử cung tăng co bóp, dễ dẫn tới sảy thai
Một số nghiên cứu cho rằng trong rau ngót chứa một hàm lượng chất papaverin nhất định. Đây là chất có thể khiến tử cung co thắt, nên đối với mẹ bầu sẽ làm tăng nguy cơ sảy thai.
Thực tế cho thấy, những phụ nữ bị sảy thai hoặc sau sinh, sau nạo phá thai thường áp dụng kinh nghiệm dân gian là uống nước rau ngót để chữa sót nhau. Cụ thể, sau khi sinh hoặc sảy thai, thai phụ uống 100ml nước rau ngót có thể tống phần nhau còn sót ra ngoài.
Vì lý do này, rau ngót được liệt vào loại thực phẩm cấm kỵ cho mẹ bầu trong 3 tháng đầu và 3 tháng cuối thai kỳ.
Rau ngót có thể gây mất ngủ
Việc ăn quá nhiều rau ngót có thể khiến mẹ bầu bị khó thở, ăn uống kém, mất ngủ… Với mẹ bầu trong 3 tháng giữa thai kỳ, khi ăn rau ngót nên chế biến rau chín kỹ để tránh những vấn đề kể trên.
Rau ngót cản trở cơ thể hấp thu canxi và photpho
Sau khi rau ngót được ăn vào cơ thể, có thể sản sinh ra chất glucocorticoid. Đây là chất khiến cơ thể bạn giảm khả năng hấp thụ photpho và canxi từ những thực phẩm khác.
Mẹ bầu khi ăn rau ngót cần lưu ý những gì?
Theo các chuyên gia, mẹ bầu khi ăn rau ngót cần lưu ý những điều sau:
– Nếu mẹ bầu đã có tiền sử sảy thai, sinh non hoặc thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm thì không nên ăn rau ngót để tránh làm ảnh hưởng đến hai mẹ con.
– Chế biến kỹ rau ngót dưới dạng luộc hoặc nấu canh, không được để sống.
– Chọn mua rau ngót sạch được kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm, không nhiễm thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật để tránh tình trạng ngộ độc.
Một số loại rau khác bà bầu nên sử dụng để thay thế rau ngót
Có nhiều loại rau chứa nhiều chất dinh dưỡng cho bà bầu tốt hơn so với rau ngót mà bạn nên sử dụng như:
Rau chân vịt
Được coi là thực phẩm vàng với phụ nữ mang thai, rau chân vịt chứa rất nhiều vitamin và khoáng chất như sắt, magie, canxi, vitamin A, E, C, chất xơ… Loại rau này giúp bạn cải thiện cân nặng, hỗ trợ hệ tiêu hóa và giúp thai nhi phát triển.
Súp lơ xanh
Trong súp lơ xanh chứa các chất như axit folic, photpho, magie, vitamin A, vitamin K… Vì thế nó giúp bạn giảm tình trạng thiếu máu hoặc táo bón trong thai kỳ, tránh cho thai nhi bị dị tật bẩm sinh.
Rau cải thìa
Rau cải thìa chứa rất nhiều chất có thể giúp mẹ bầu tránh thiếu máu. Ngoài ra loại rau này còn giúp bạn ngăn ngừa bệnh tim mạch, bệnh thấp khớp và kháng viêm hiệu quả.
Rau cần
Rau cần có thể giúp bạn giảm huyết áp, lợi tiểu, thanh nhiệt, long đờm, giảm ho… Có được điều này là do các chất dinh dưỡng như sắt, phốt pho, canxi, carotene, vitamin C, vitamin B, chất xơ… có trong rau cần.
Sau sinh, bà bầu ăn rau ngót có tốt không?
Tuy rau ngót gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe mẹ bầu nhưng bà bầu sau sinh có thể ăn rau ngót. Loại rau này còn cung cấp rất nhiều chất dinh dưỡng cho mẹ bầu sau sinh. Nó giúp bạn giảm nguy cơ viêm nhiễm, nhuận tràng, nhanh chóng đẩy lùi nhau và sản dịch, tăng cường sức đề kháng, lợi sữa, làm đẹp da… Ngoài ra rau ngót còn giúp mẹ bầu sinh mổ chóng lành vết mổ.
Tuy nhiên như đã biết, rau ngót có thể gây mất ngủ và làm giảm sự hấp thụ photpho, canxi. Vì thế sau sinh bạn cũng không nên quá lạm dụng loại rau này.
Bài viết trên đã giúp bạn giải đáp thắc mắc bầu mấy tháng ăn được rau ngót. Hãy sử dụng loại rau này một cách hợp lý để bảo vệ thai nhi và bản thân bạn nhé.