Ngộ độc thức ăn nên ăn gì để nhanh hồi phục?
Ngày đăng: 6.03.2021
Tư vấn y khoa: Bs Nguyễn Kiếm
Vào mùa hè nắng nóng, độ ẩm thấp sẽ tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn xâm nhập vào đồ ăn, dẫn tới ô nhiễm, làm cho thức ăn ôi thiu. Ngộ độc thức ăn nếu để lâu sẽ ảnh hưởng đến tính mạng. Do đó, bài viết này sẽ chia sẻ về ngộ độc thức ăn nên ăn gì và cách xử lý kịp thời. Mời các bạn cùng theo dõi nhé!
Nguyên nhân gây ngộ độc thức ăn?
Ngộ độc thức ăn xảy ra khi chúng ta ăn phải những thức ăn chứa những vi khuẩn gây hại, những độc tố sinh ra khi không bảo quản đúng cách.
Nguyên nhân ngộ độc thức ăn có thể do quá trình chế biến thức ăn, các loại thịt từ động vật chưa được nấu chín, rau có chứa nhiều thuốc bảo vệ thực vật, hải sản… Những vi khuẩn gây nên tình trạng này bao gồm: salmonnella, E.coli, listeria, campylobacter…
Cũng có thể do bạn ăn những thực phẩm ở các quán ăn không đảm bảo vệ sinh như ăn uống ở ngoài đường, vỉa hè…
Triệu chứng của ngộ độc thức ăn ?
Ngộ độc thức ăn xảy ra sau khi người bệnh ăn phải những thực phẩm bị nhiễm độc. Các triệu chứng của ngộ độc có thể nhẹ hoặc nặng tùy thuộc vào tác nhân gây bệnh. Khi bị ngộ độc cơ thể bạn sẽ xuất hiện một số triệu chứng sau:
– Sau khi ăn vài phút hoặc vài tiếng bạn sẽ thấy xuất hiện một số triệu chứng như: đau quặn bụng, buồn nôn và nôn…
– Tiêu chảy nhiều lần, phân ở thể lỏng. Lúc này bạn nên bù nước cho cơ thể để tránh tình trạng mất nước gây nguy hiểm đến tính mạng. Đặc biệt là người cao tuổi và trẻ nhỏ.
– Một số triệu chứng nặng như: Sốt, đau đầu, tụt huyết áp chóng mặt. Khi gặp phải những dấu hiệu này nên nhanh chóng đến bệnh viện để được xử lý kịp thời.
– Nếu ngộ độc mãn tính sẽ không có biểu hiện rõ ràng, những chất độc trong thức ăn sẽ tích tụ lâu dài trong cơ thể, gây ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa chất, cơ thể sẽ bị suy nhược, mệt mỏi. Lâu dẫn sẽ gây bệnh ung thư.
Cách xử lý khi bị ngộ độc thức ăn?
Ngộ độc thức ăn có thể không gây nguy hại nếu bạn kịp thời xử lý. Khi bị ngộ độc thực phẩm bạn nên:
– Nếu bị ngộ độc do ăn phải những thực phẩm nhiễm độc nên ngừng ăn những đồ ăn đó. Nếu buồn nôn hãy cố nôn càng nhiều càng tốt để có thể đưa hết những thức ăn đó ra ngoài. Bạn có thể gây nôn bằng cách uống nhiều nước và móc họng. Nhưng nếu trẻ em bị ngộ độc thì không nên gây nôn, có thể khiến trẻ bị sặc.
– Sau khi đã nôn hết các thực phẩm ra ngoài nên cho người bệnh uống than hoạt tính hoặc oresol để bù điện giải cho cơ thể, tránh tình trạng mất điện giải.
– Trường hợp người bệnh bị co giật và ngừng thở hãy sơ cứu cho bệnh nhân bằng cách hà hơi thổi ngạt và ép tim.
– Nếu bệnh nhân không tỉnh táo nên để bệnh nhân cúi hoặc nằm đầu thấp, nghiêng về một bên tránh nôn sặc vào phổi.
– Sau khi đã sơ cứu hãy nhanh chóng đưa người bệnh đến bệnh viện để được cấp cứu kịp thời.
– Tại cơ sở y tế, bệnh nhân sẽ được rửa dạ dày để loại bộ những chất độc trong cơ thể.
Ngộ độc thức ăn nên ăn gì?
+ Uống nhiều nước:
Nôn mửa và tiêu chảy rất dễ khiến bạn bị mất nước. Do đó, trước khi tìm hiểu ngộ độc thực phẩm nên ăn gì cần giải quyết vấn đề mất nước của cơ thể. Theo đó, sau khi nôn hết, cứ 10 phút 1 lần hãy uống 1-2 ngụm nước ấm nhỏ.
Các thức uống thể thao có chứa điện giải là cách tốt nhất để ngăn ngừa mất nước trong thời gian bị ngộ độc. Ngoài ra bạn cũng có thể uống:
- Trà thảo mộc không có caffeine
- Nước dùng gà hoặc nước rau, nước canh…
- Ăn thức ăn nhạt, ít chất béo
Khi tình trạng tiêu chảy, nôn ói giảm bớt, bạn hãy ăn những thức ăn nhạt, ít chất béo, ít chất xơ vừa tốt cho dạ dày và dễ tiêu hóa. Lý do, chất béo khiến dạ dày của bạn khó tiêu hóa hơn, đặc biệt là khi đang gặp vấn đề tiêu hóa do ngộ độc.
Vậy ngộ độc thực phẩm nên ăn gì? Nên ưu tiên các món sau trong chế độ ăn của mình:
- Ngũ cốc
- Lòng trắng trứng
- Mật ong
- Cháo bột yến mạch
- Khoai tây nghiền
- Cháo loãng…
Đến ngày thứ ba sau khi hết ngộ độc, bạn có thể bắt đầu bổ sung từ từ các loại thực phẩm bình thường vào chế độ ăn uống của mình. Bắt đầu với những món như trứng luộc chín mềm, trái cây, rau quả nấu chín và thịt trắng như thịt gà.
Cách phòng tránh ngộ độc thức ăn?
Để phòng tránh và ngăn ngừa ngộ độc thức ăn các cá nhân và gia đình nên thực hiện theo những cách sau:
– Nên lựa chọn các loại thực phẩm tươi sống được bày bán ở những nơi uy tín như siêu thị, các chợ đã được kiểm định và hãy kiểm tra hạn sử dụng được in trên bao bì của sản phẩm. Đối với những loại thực phẫm dễ gây ngộ độc như: cá ngừ, nấm, măng tươi cần cảnh giác khi lựa chọn.
– Nên chế biến thức ăn với nhiệt độ thích hợp, thực hiện ăn chín uống sôi để loại bỏ nguy cơ bị ngộ độc. Đối với các lại rau ăn sống nên rửa thật sạch 2 -3 lần trước khi sử dụng.
– Chú ý bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ thích hợp tránh cho vi khuẩn không thể xâm nhập và phát triển.
– Không nên ăn các đồ sống như gỏi cá, tiết canh…
– Không sử dụng giấy báo, giấy viết để bọc gói đồ ăn.
– Nên sử dụng đồ ăn khi còn nóng, nếu chưa ăn đến hãy bảo quản trong tủ lạnh và hâm nóng lại khi ăn.
– Đối với những đồ hải sản, thịt tươi sống, cá nên được bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh.
– Những thức ăn để quá lâu nên loại bỏ tránh sử dụng rất dễ bị ngộ độc.
– Cần lưu ý rửa tay thật sạch bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn và sau khi đi vệ sinh.
Ngộ độc thức ăn nếu để lâu sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, khi có những biểu hiện của ngộ độc nên nhanh chóng đưa người bệnh đến các cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ kịp thời.