Bà bầu ăn được lá lốt không? Có ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ và bé?
Ngày đăng: 4.03.2021
Tư vấn y khoa: Bs Nguyễn Kiếm
Lá lốt là một loại gia vị phổ biến trong nhiều món ăn ngon miệng, hấp dẫn. Ngoài ra lá lốt còn là vị thuốc trong đông y. Do đó nhiều người thắc mắc bà bầu ăn được lá lốt không, ăn như thế nào để không ảnh hưởng đến sức khỏe. Bài viết này sẽ cung cấp các thông tin về lá lốt, thành phần dinh dưỡng, cách ăn đúng cách cho phụ nữ mang thai.
Bà bầu ăn được lá lốt không?
Lá lốt là một loại lá gia vị và cũng được sử dụng trong các bài thuốc Nam. Trong chế biến món ăn, lá lốt có vị nồng cay, giúp món ăn dậy mùi hơn. Trong y học, lá lốt có tác dụng làm ấm cơ thể, giảm đau nhức xương khớp, trị đầy hơi, nôn mửa, giải cảm.
Bên cạnh đó lá lốt cũng có thành phần giàu chất chống oxy hóa. Do đó, loại lá này cũng được dùng để chữa ho, chảy máu chân răng, chữa lành vết thương, mất nước, viêm, táo bón, tiểu đường, đau lưng, nhức đầu.
Theo kinh nghiệm dân gian, nữ giới khi mang thai ăn lá lốt sẽ giúp cải thiện hệ tiêu hóa, giảm ốm nghén và ăn uống được ngon miệng hơn. Nhiều người thắc mắc bà bầu ăn được lá lốt không vì nghe nói rằng bà bầu ăn lá lốt sẽ gây mất sữa. Thông tin này không có căn cứ khoa học và chưa có bất kỳ nghiên cứu nào chứng minh điều này.
Trong khi đó, thí nghiệm thực tế cho thấy các thành phần flavonoid, alcaloid và tinh dầu trong lá lốt giúp bà bầu cải thiện chất lượng sữa.
Dù có tác dụng tích cực, tuy nhiên phụ nữ mang thai cần lưu ý không ăn lá lốt với số lượng quá nhiều. Nếu ăn quá nhiều có thể xảy ra hiện tượng tích nhiệt trong cơ thể, gây nóng trong. Bà bầu nên ăn với số lượng vừa phải, khoảng một đến hai bữa mỗi tuần để đổi vị. Những thai phụ mang thai khó hoặc có tiền sử sảy thai thì trước khi ăn lá lốt nên hỏi ý kiến bác sĩ.
Như vậy, bà bầu hoàn toàn có thể ăn lá lốt với mức đô vừa phải, sẽ có lợi cho sức khỏe.
Lợi ích của lá lốt với bà bầu
Bên cạnh thắc mắc bà bầu ăn được lá lốt không, nhiều người còn muốn biết thai phụ ăn lá lốt có lợi ích gì. Trong đông y lá lốt có tính ấm, vị nồng, hơi cay. Lá lốt có công dụng chữa chứng tay chân lạnh, đau nhức xương khớp, chống phong hàn, giảm đau, nôn mửa, đầy bụng.
Phụ nữ mang thai ăn lá lốt sẽ có những tác dụng với sức khỏe như:
+ Giảm táo bón
+ Chống chảy máu chân răng.
+ Tốt cho hệ tiêu hóa.
+ Chữa ho.
+ Giảm nhức mỏi chân tay, đau lưng, đau đầu.
+ Giảm đau lưng đau nhức xương khớp trong thời kỳ mang thai.
+ Giúp mẹ tiết sữa nhiều hơn trong thời kỳ cho con bú.
+ Tạo cảm giác ngon miệng kích thích sự thèm ăn.
+ Phòng và điều trị táo bón ở bà bầu hiệu quả.
+ Giúp giải cảm.
Ngoài ra, lá lốt cũng có nhiều công dụng với sức khỏe khi bà bầu dùng để xông hơi hay tắm, như:
+ Xông mặt với lá lốt để trị tàn nhang, da nổi mụn
Thành phần của lá lốt có chứa chất phenol. Đây là một chất ức chế hoạt động của vi khuẩn gây mụn nên giúp giảm sưng tại các ổ mụn trên da. Vitamin và chất xơ trong lá lốt cũng giúp cân bằng độ pH cho da, giảm tình trạng da nhờn gây bít lỗ chân lông.
Chất kháng sinh trong lá lốt cũng giúp tẩy tế bào da chết từ đó da hồi phục nhanh hơn. Hoạt chất Alcaloid trong lá lốt không chỉ giúp kháng khuẩn, chống viêm mà còn khắc phục tình trạng nám da khi mang thai, giúp da trắng sáng, mịn màng hơn.
Cách thực hiện:
Lấy một nắm lá lốt, đun sôi với nước và muối. Để sôi 3 phút thì tắt bếp. Lấy nồi nước để trước mặt khoảng 25 cm, rồi lấy chăn trùm lên đầu để xông hơi.
Nữ giới có thể lấy lá lốt xoa lên mặt hoặc dùng nước lá lốt để vắt khăn rồi rửa mặt.
+ Tắm thư giãn với lá lốt
Cách thực hiện:
Đun nồi nước lá lốt như đun nước xông mặt nhưng cho nhiều nước hơn. Khi nước sôi, đổ ra thau lớn, thêm nước nguội và vắt 1 quả chanh vào. Bà bầu ngâm mình khoảng 10 phút để cơ thể thư giãn rồi tắm lại với nước ấm.
+ Ngâm chân với lá lốt để tránh sưng phù.
Vào những tháng cuối thai kỳ, nữ giới dễ bị phù nề ở chân. Ngâm chân với lá lốt sẽ giúp thông các mạch máu, giãn nở lỗ chân lông, giúp tuần hoàn máu tốt hơn. Ngâm chân vào buổi tối còn giúp thai phụ ngủ ngon hơn.
Cách thực hiện:
Để đun nước ngâm chân, bà bầu lấy khoảng 10 cái lá lốt rửa sạch, đun sôi với 1 lít nước. Nước sôi được 3 phút thì đổ ra thau nhỏ, pha thêm nước nguội rồi ngâm chân.
- Món ăn ngon với lá lốt cho bà bầu.
Có thể thấy, bà bầu ăn được lá lốt không chỉ có lợi cho sức khỏe và còn giúp cải thiện khẩu vị. Có rất nhiều món ăn ngon miệng có thể chế biến với lá lốt. Đơn giản nhất, bà bầu có thể luộc lá lốt rồi chấm nước mắm tỏi gừng. Các món khác cũng rất phổ biến như canh lá lốt, chả lá lốt, lá lốt xào thịt hoặc ăn kèm trong các bữa lẩu. Một số món tiêu biểu như:
Thịt bò xào lá lốt
Nguyên liệu:
150-200g thịt bò thái lát mỏng
Nửa củ hành tây thái múi
1 nắm lá lốt rửa sạch, thái thành miếng dày
Tỏi băm
Cách thực hiện:
Ướp thịt với tỏi băm, muối, đường, bột nêm, hạt tiêu, xì dầu, dầu mè. Có thể thêm một thìa bột bắp để thịt bò thấm gia vị nhanh hơn và xào lên không bị khô.
Ướp thịt được 10 phút thì bắc chảo lên bếp, cho thêm dầu, phi tỏi cho thơm.
Cho thịt bò vào xào. Để lửa lớn đến khi thịt vừa chín tái thì tắt bếp.
Cho tiếp dầu ăn vào chảo, thêm hành tây vào xào qua rồi cho thêm lá lốt vào đảo đều. Thêm gia vị, bột nêm và muối.
Cho thịt bò tái vào xào tiếp. Đảo đều tay đến khi thịt bò chín thì tắt bếp.
Canh cá lóc lá lốt.
Nguyên liệu:
1 con cá lóc nhỏ phi lê
10 lá lốt
Gừng 1 củ, hành tím 4 củ
Cách thực hiện:
Cá lóc thái khúc, ướp với hạt nêm và nước mắm.
Lá lốt thái nhỏ vừa ăn.
Bắc chảo lên bếp, cho dầu ăn vào rồi phi thơm hành tím với gừng. Cho cá lóc vào đảo đến khi săn.
Cho nước vào đun sôi, khi sôi thêm hạt nêm, nước mắm, đường và giấm.
Khi nước sôi cho lá lốt vào, đun thêm một lúc rồi tắt bếp.
Chả lá lốt
Nguyên liệu:
250g thịt nạc vai băm nhuyễn
30g mộc nhĩ băm nhuyễn
Lá lốt và 1 củ hành khô.
Cách thực hiện:
Trộn mộc nhĩ hoặc nấm hương với thịt lợn, nêm thêm muối, bột ngọt và hạt tiêu. Để 15 phút cho ngấm gia vị.
Lấy lá lốt cuốn với nhân thịt. Nên gói bằng mặt gân lá để màu chả đẹp hơn.
Bắc chảo lên bếp, thêm dầu ăn rồi cho lá lốt cuốn thịt vào, chiên với lửa vừa.
Canh thịt bò lá lốt
Nguyên liệu:
200g thịt bò
Cà chua 4 quả.
Lá lốt khoảng 100g.
Hành khô, gia vị mắm, muối, tiêu.
Cách thực hiện:
Thịt bò rửa sạch, thái nhỏ, ướp với gia vị trong 15 phút.
Cà chua và lá lốt rửa sạch. Cà chua thái hình múi cau và lá lốt thái chỉ nhỏ.
Hành khô bóc vỏ, rửa sạch, đập dập.
Bắc chảo lên bếp, đổ dầu vào đun nóng rồi phi hành cho thơm. Cho thịt bò vào xào, đến khi chín tái thì múc ra.
Cho cà chua vào xào, đến khi mềm rồi thêm nước vào đun sôi.
Khi nước sôi, cho thịt bò và lá lốt vào, nêm thêm gia vị. Đun sôi thêm lần nữa rồi thêm hạt tiêu vào là dùng được ngay.
Trứng rán lá lốt
Nguyên liệu:
3 quả trứng gà hoặc 2 quả trứng vịt
4-5 lá lốt
150g thịt nạc băm
Muối, hạt nêm, nước mắm, hành khô, dầu ăn và hạt tiêu.
Cách thực hiện:
Đập trứng ra bát, thêm muối, nước mắm, hạt tiêu, hạt nêm và nước lọc rồi đánh trứng cho đều. Nên cho nước lọc vào để sau khi rán trứng không bị khô.
Lá lốt rửa sạch, thái sợi nhỏ.
Bắc chảo lên bếp, thêm dầu, phi hành thơm, rồi cho thịt vào. Xào đến khi chín thì cho vào một ít nước mắm, đảo đều.
Khi thịt chín thì cho lá lốt vào, đảo đều 1 phút rồi cho trứng vào. Chú ý nghiêng chảo để trứng đều khắp mặt chảo.
Rán đều hai mặt trứng rồi dùng được ngay.
Ốc xào lá lốt
Nguyên liệu:
Ốc nhồi: 1 kg
Lá lốt: 1 bó
Hành củ, ớt, bột nghệ
Tiêu, muối, bột nêm, giấm, dầu ăn.
Cách thực hiện:
Ốc ngâm trong nước với vài lát ớt khoảng vài tiếng, cho ốc nhà chất bẩn và nhớt ra.
Rửa sạch ốc, sơ chế rồi cho vào nồi luộc. Khi nước sôi, đảo đều cho ốc mở miệng rồi tắt bếp. Đổ ốc ra khều lấy ruột. Sơ chế với muối và giấm cho sạch chất bẩn. Rửa lại cho sạch rồi để ráo.
Ướp thịt ốc với bột nêm, hạt tiêu, bột nghệ khoảng 10 phút.
Lá lốt bỏ cuống, rửa sạch, thái sợi nhỏ.
Hành củ bóc vỏ, rửa sạch, đập giập, băm nhỏ.
Ớt rửa sạch, cắt lát.
Bắc chảo lên bếp, thêm dầu ăn, cho hành củ vào phi thơm. Thêm ốc vào xào khoảng vài phút cho săn lại. Chú ý không xào quá lâu để ốc không bị dai.
Cho thêm nước mắm rồi lá lốt vào xào. Sau đó tắt bếp rồi cho thêm ớt xắt nhỏ lên trên là được.
Lá lốt cuốn thịt chiên giòn
Nguyên liệu:
Lá lốt
Thịt: 200g
Tôm: 100 g
Nấm mèo, cà rốt, bắp cải, hành lá
Bột chiên giòn, 1 quả trứng gà
Gia vị.
Cách thực hiện:
Chọn lá lốt to, rửa sạch, để ráo.
Thịt và tôm rửa sạch, băm nhuyễn.
Nấm mèo ngâm cho nở mềm rồi cắt nhỏ. Cà rốt thái hạt lựu. Bắp cải bào mỏng. Hành ngò rửa sạch, thái nhỏ.
Trộn các nguyên liệu này cùng với thịt và tôm. Ướp với đường, hạt nêm, muối, nước mắm, hạt tiêu.
Trộn bột chiên giòn với trứng gà và nước lọc rồi khuấy đều.
Đắp nhân tôm thịt vào bên ngoài lá lốt thành lớp mỏng rồi kẹp lại.
Bắc chảo lên bếp, thêm dầu. Khi dầu nóng thì cho lá lốt nhúng bột vào chiên.
Dùng ngay với tương ớt hoặc tương cà.
Như vậy bài viết này đã giải đáp câu hỏi bà bầu ăn được lá lốt không, ăn có lợi gì với sức khỏe. Lá lốt có nhiều công dụng tích cực với sức khỏe thai phụ. Do đó nữ giới hãy ăn nhiều hơn các món ăn bổ dưỡng, ngon miệng với loại lá này nhé.