Bà bầu ăn lá lốt được không? Tốt hay không tốt?

Ngày đăng: 26.02.2021

Tư vấn y khoa: Bùi Ngọc Lâm

Sử dụng lá lốt khi mang thai sẽ giúp các mẹ bầu cải thiện hệ tiêu hóa, kích thích sự thèm ăn. Tuy nhiên cũng có không ít người cho rằng việc ăn nhiều lá lốt khi mang thai có thể khiến mẹ dễ bị mất sữa sau khi sinh. Vậy bà bầu ăn lá lốt được không? Ăn lá lốt khi mang thai tốt hay không tốt?

Lá lốt là một loại cây thân thảo, dễ trồng, dễ mọc ở nhiều vùng trên đất nước ta. Tên khoa học của nó là piper sarmentosum, thuộc họ nhà hồ tiêu.

Các nghiên cứu khoa học cho thấy, trong lá và thân cây lá lốt có chứa nhiều tinh dầu, ancaloit, beta-carypphylen. Cùng với đó là các hoạt chất benzylaxetat có công dụng tốt đối với sức khỏe, nhất là trong việc chữa trị tình trạng viêm nhiễm, giúp chống viêm, kháng khuẩn, giảm đau… Còn trong đông y, lá lốt với tính ấm thường được dùng để chống lạnh, chống phong hàn cho hiệu quả cao…

Thông thường lá lốt sẽ được dùng để chế biến các món ăn để tăng thêm hương vị. Rất nhiều người ưa thích lá lốt với hương vị đặc biệt, trong đó có các bà bầu. Tuy nhiên họ thường ngần ngại với việc bà bầu ăn lá lốt có được không? Nhiều người còn bỏ hẳn loại lá này ra khỏi thực đơn khi mang thai.

Bà bầu ăn lá lốt được không?

Từ lâu có nhiều ý kiến cho rằng việc mẹ bầu ăn lá lốt khi mang thai có thể gây ra tình trạng mất sữa sau sinh. Tuy nhiên trên thực tế chưa có một nghiên cứu khoa học nào khẳng định được việc lá lốt có thể gây ảnh hưởng đến việc tiết sữa của nữ giới sau khi sinh nở. Do đó các chị em không nên quá tin vào phỏng đoán này.

Bà bầu có ăn được lá lốt không là vấn đề được nhiều nữ giới quan tâm

Vậy ăn lá lốt khi mang thai tốt hay không tốt? Trên thực tế theo các chuyên gia y tế, lá lốt không phải là thực phẩm quá cần thiết đối với phụ nữ mang thai. Tuy nhiên việc bà bầu ăn lá lốt cũng không gây hại cho sức khỏe hay sự phát triển của thai nhi.

Một số thử nghiệm cho thấy các thành phần như tinh dầu, alcaloid, flavonoid có trong lá lốt có tác dụng tích cực đối với sức khỏe của mẹ bầu. Không chỉ giúp làm giảm tình trạng ốm nghén, hỗ trợ hệ tiêu hóa. Lá lốt còn là loại kháng sinh tự nhiên, có chứa nhiều vitamin có thể giúp mẹ bầu giải cảm khi mang thai.

Bởi vậy các mẹ bầu hoàn toàn có thể an tâm ăn lá lốt trong thai kỳ với số lần ăn trung bình khoảng từ 1 – 2 lần/tuần để thay đổi khẩu vị. Các bạn tuyệt đối không nên ăn quá nhiều lá lốt vì bất cứ một loại thực phẩm nào nếu ăn quá nhiều đều có thể gây ra các tác dụng phụ.

Ngoài ra lá lốt vốn có tính hàn nên mức độ ảnh hưởng tới sức khỏe mẹ bầu và thai nhi sẽ lớn hơn. Tốt nhất các bạn nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia y tế để ăn uống đúng cách.

Công dụng của lá lốt đối với bà bầu

Theo nhiều nghiên cứu, việc nữ giới mang thai ăn lá lốt có thể cải thiện hệ tiêu hóa, làm giảm tình trạng ốm nghén và kích thích sự thèm ăn. Bên cạnh đó, nó còn có các công dụng khác có thể kể đến như:

+ Giúp điều trị bệnh phụ khoa

Nguy cơ viêm nhiễm phụ khoa xảy ra rất cao ở nữ giới khi mang thai. Tình trạng viêm nhiễm này nếu không được chữa trị và khắc phục triệt để có thể gây ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ.

Để khắc phục tình trạng này, các mẹ có thể nấu nước lá lốt để rửa vùng kín. Bạn chỉ cần dùng 50g lá lốt, 40g nghệ, 20g phèn chua đun với nước. Sau khi nước sôi thì vặn nhỏ lửa, đun tiếp từ 10 – 15 phút thì tắt bếp. Đổ nước lá lốt vào chậu, thêm một ít nước lạnh rồi dùng để rửa vùng kín.

Áp dụng phương pháp này từ 2 – 3 lần/tuần sẽ giúp mẹ bầu tránh khỏi các bệnh viêm âm đạo nguy hại.

+ Tránh phù chân khi mang thai

Trong những tháng cuối của thai kỳ, các mẹ bầu rất dễ bị phù chân. Việc ngâm chân bằng lá lốt sẽ giúp các mạch máu giãn nở, từ đó hỗ trợ cho việc tuần hoàn máu đến chân, làm giảm tình trạng sưng phù. Ngoài ra, việc ngâm chân bằng lá lốt vào buổi tối còn giúp các mẹ bầu được thư giãn và ngủ sâu giấc hơn.

Ngâm chân bằng lá lốt giúp mẹ bầu giảm sưng phù khi mang thai

Bạn chỉ cần dùng một nắm lá lốt tươi để đun cùng 1 lít nước. Sau khi sôi đổ nước ra chậu rồi pha loãng với một ít nước lạnh để đỡ nóng rồi tiến hành ngâm chân. Áp dụng liên tục mỗi ngày sẽ giúp cải thiện nhanh tình trạng phù chân thai kỳ.

+ Giúp cải thiện làn da

Trong thai kỳ nhiều mẹ bầu gặp phải các hiện tượng như nổi mụn, tàn nhang, nám da khiến làn da trở nên xấu xí. Điều này sẽ khiến cho các chị em cảm thấy tự ti, mặc cảm.

Để cải thiện tình trạng này, các bạn có thể sử dụng lá lốt như một phương pháp làm đẹp đơn giản, tiện lợi, có thể áp dụng ngay tại nhà.

Theo nghiên cứu, lá lốt có chứa hoạt chất phenol có khả năng ức chế hoạt động của các vi khuẩn gây mụn và làm giảm tình trạng viêm sưng tại các ổ mụn. Ngoài ra, các vitamin và chất xơ có trong lá lốt khi thấm vào da có thể giúp cân bằng độ pH cho da, tránh tình trạng tiết dầu nhờn gây bít tắc lỗ chân lông. Hoạt chất alcaloid trong lá lốt còn giúp làm trắng da và chữa trị nám sạm khi mang thai hiệu quả.

Do đó, các chị em có thể nấu nước lá lốt để xông mặt hoặc tắm và thư giãn bằng nước lá lốt hàng ngày để giúp cho làn da được khỏe mạnh, tươi sáng.

Hướng dẫn một số món ăn ngon từ lá lốt cho bà bầu

Khi đã nắm chắc được việc bà bầu ăn lá lốt được không, các mẹ bầu hoàn toàn có thể chọn cho mình những món ăn được chế biến từ loại lá này để thay đổi khẩu vị. Bạn có thể tham khảo một món ăn ngon, dễ chế biến sau đây để giúp cho bữa ăn được phong phú và đa dạng hơn.

+ Chả lá lốt

Chả lá lốt là một món ăn vô cùng quen thuộc đối với người Việt Nam. Để chế biến món ăn này các bạn cần chuẩn bị những nguyên liệu sau:

– Thịt lợn 300g.

– Lá lốt 20 lá to.

– Gia vị, mắm, muối, hạt tiêu.

Cách làm:

– Thịt lợn rửa sạch, xay nhỏ. Ướp gia vị, mắm muối, tiêu trong vòng 30 phút

– Lá lốt rửa sạch, để ráo nước

– Cho thịt vào lá lốt và cuộn tròn lại

– Đổ dầu vào chảo và rán lên hoặc đem chả nướng trên than hoa

+ Canh thịt bò lá lốt

Canh thịt bò lá lốt là một món ăn ngon, dễ làm, có thể gây kích thích khẩu vị, giúp mẹ bầu ăn ngon miệng hơn. Nguyên liệu thực hiện gồm có:

– Thịt bò 200g

– 4 quả cà chua

– 100g lá lốt

– Hành khô, gia vị mắm, muối, tiêu.

Cách làm:

– Thịt bò rửa sạch, thái nhỏ rồi ướp gia vị khoảng 15 phút

– Cà chua, lá lốt rửa sạch để ráo

– Thái cà chua hình múi cau, lá lốt thái chỉ

– Hành khô bóc vỏ, đập dập, phi thơm với mỡ

– Khi hành dậy mùi thì cho thịt bò vào xào chín tái và múc ra bát

– Cho cà chua vào xào mềm rồi đổ 1 bát nước vào đun sôi

– Khi nước sôi cho thịt bò và lá lốt vào. Nêm nếm gia vị vừa ăn rồi bắc xuống

Như vậy câu trả lời cho thắc mắc bà bầu ăn lá lốt được không là có thể. Tuy nhiên các bạn chỉ nên ăn với một lượng vừa phải để mang đến các công dụng tích cực. Theo khuyến cáo của các chuyên gia phụ khoa, chế độ dinh dưỡng trong thời gian mang thai là rất quan trọng. Các chị em nên chú ý cân bằng lượng dinh dưỡng có trong các loại thực phẩm để có thể đảm bảo cho cơ thể được khỏe mạnh và thai nhi phát triển tốt.